Tour giao lưu cồng chiêng là một hoạt động rất thú vị trong cuộc hành trình 1 Tháng 1 Tỉnh của Zen. Đây là một tour do công ty của sếp bạn Hòa làm và Zen được đi tour này cùng với gia đình anh Phúc.
Địa điểm: Zen không rõ lắm cụ thể nó ở đâu vì khi mình đi sẽ có xe đến tận nơi đón.
Lịch trình của tour giao lưu cồng chiêng
Mình sẽ là đi vào làng dân tộc, cùng giao lưu cồng chiêng, ăn thịt nướng uống rượu cần và hát với người dân tộc dưới chân núi Lang Biang, cách chân núi khoảng 15km. Thời tiết Đà Lạt hay bị mưa bất thường và ban đêm sương xuống khá dày đặc ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy nên họ sắp xếp cho mình ngồi giao lưu trong hội trường chứ không ở ngoài trời. Hội trường chứa đựng được khoảng 800 khách. Mình sẽ ngồi ghế gỗ hoặc ghế nhựa được chuẩn bị sẵn. Ngoài ra người ta sẽ đốt đống lửa lên và những người dân tộc sẽ múa vòng quanh bếp lửa.
Người ta tái hiện lại một số điệu múa đâm trâu, cầu mưa cầu nắng và cúng lúa mới. Ngoài những điệu múa bài hát ra thì còn có ăn thịt nướng, uống rượu cần. Ăn thịt nướng ở đây thì không phải ăn nhiều ăn no mà là ăn thưởng thức thôi. Mỗi người 1 xiên thịt heo rừng. Nếu ai có nhu cầu thì có thể mua thêm để ăn, giá là 10k/xiên. Heo rừng này là heo rừng nuôi chứ không phải săn bắn. Một đoàn sẽ uống 1 ché rượu cần (khoảng 7 lít), đây là loại rượu đặc trưng của đồng bào dân tộc.
Chương trình giao lưu bắt đầu vào lúc 7h hoặc 7h10 tới khoảng 8h15 là kết thúc. Khi đó sẽ có xe đưa mình về lại điểm xuất phát ban đầu.
Tìm hiểu về khu vực này
Làng dân tộc này ở tại địa phận Huyện Lạc Dương. Chúng ta gần tới nơi sẽ thấy một cái cổng chào rất lớn. Huyện Lạc Dương cách trung tâm Thành phố Đà Lạt khoảng 15km. Dân số nơi này khoảng chừng 20.000 người và có khoảng 70% là người dân tộc, chỉ có 30% là người Kinh. Nguyên nhân là trước những năm 95 về trước thì tại đây có một tập đoàn phản động tên là Fulro nên không có người Việt nào dám sống ở đây hết. Nhưng từ năm 95 đến 2000 thì tập đoàn Fulro giải tán đi thì những người Việt mới bắt đầu vào đây sinh sống. Như vậy họ mới nhập cư khoảng 10-15 năm trở lại đây thôi. Những người dân tộc nào hòa nhập được thì sẽ ở yên đây, còn nếu không thì sẽ bán đất nơi này và di chuyển vào sâu chân núi sinh sống.
Lịch sử Đà Lạt
Trước kia mảnh đất ĐL này là của những người đồng bào dân tộc. Người ta sinh sống ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, ngay lòng Hồ Xuân Hương. Trước kia Hồ Xuân Hương nó chưa phải cái hồ như bây giờ. Nó là một cái kênh rạch nhỏ. Những người dân tộc này họ sinh sống dọc theo bờ kênh để lấy nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Tới một ngày kia, ngày 21/06/1893 có một người là bác sĩ Alexandre Yersin, người Pháp gốc Thụy Sỹ đến vùng đất này thám hiểm. Khi đến đây gặp những người đồng bào dân tộc này, ông mới hỏi thì được những người này thuyết minh về nơi đây. Người dân tộc gọi dòng sông con suối này là Đạ. Những người dân tộc này là người bộ tộc Lạch. Vì vậy bác sĩ Yersin đã ghi lại khu vực này với tên gọi Đạ Lạch. Đạ Lạch tức là dòng sông con suối của người bộ tộc Lạch. Khi người Pháp xâm chiếm ở đây người Pháp không đọc được là Đạ Lạch mà người ta đọc là Đa Láp và dần dần chuyển đổi thành Đà Lạt như bây giờ. Đi tour này mọi người sẽ được giao lưu với những người bộ tộc Lạch và chính là những người chính gốc Đà Lạt.
Khi bác sĩ Yersin đặt chân tới đây thì mới phác thảo một cái sơ đồ vùng cao nguyên này để trình chính phủ Pháp.
Họ thấy khí hậu ĐL rất ôn hòa, giống khí hậu nước Pháp. Khi đó người Pháp mới nghiên cứu và cho đổ bộ vào vùng đất này. Khi người Pháp vào thì thời gian đó để tạo thêm cho Đà Lạt một cảnh quan thơ mộng và lãng mạn hơn nên họ nghiên cứu và cho chặn cái đập này lại tạo thành cái hồ. Người Pháp gọi hồ này là Hồ Lớn, sau này mới đổi tên thành Hồ Xuân Hương như bây giờ. Như vậy Hồ Xuân Hương như mọi người thấy ngày nay là hồ nhân tạo do người Pháp tạo nên chứ không phải hồ tự nhiên. Trước khi người Pháp đặt chân đến đây thì những người dân tộc này được gọi là người Mọi. Sau này tới thời Bảo Đại thì không gọi là người Mọi nữa mà gọi là người Thượng. Thượng ở đây là thượng du vùng cao. Khi người Pháp tạo hồ thì họ di dời tất cả những đồng bào dân tộc đang sinh sống trên lòng hồ và trung tâm thành phố Đà Lạt lên khu vực chân núi LangBiang.
Núi LangBiang này có một huyền thoại, một truyền thuyết rằng trước đây Đà Lạt có 2 bộ tộc, là bộ tộc người Lạch và bộ tộc người Chiêng. Con gái của trưởng bộ tộc người Chiêng rất xinh đẹp tên là H’Biang, con trai của trưởng bộ tộc người Lạch rất khôi ngô tuấn tú tên là K’Lang. Hai anh chị này yêu nhau nhưng 2 bộ tộc này thường xung đột lẫn nhau nên tình yêu của họ là không được cho phép. Vì bị ngăn cấm tình yêu nên 2 người này đã tìm đến cái chết trên đỉnh núi này. Dân làng sau này gọi nơi đó là núi chàng Lang và nàng H’Biang. Hay còn gọi là LangBiang như hiện tại bây giờ. Cũng chính vì sự hi sinh của 2 anh chị này nên khi 2 người cha lên nhận xác con thì đồng thời cũng đã xóa bỏ mối hận thù giữa 2 bộ tộc. Họ xác nhập thành một bộ tộc lớn mạnh hơn. Và họ gọi là dân tộc K’Ho. Khi nói đến dân tộc K’Ho này thì có 2 nhánh là K’Ho Lạch và K’Ho Chiêng.
Trước kia những người đồng bào dân tộc ở đây người ta có cuộc sống hoang dã. Những người phụ nữ nơi đây người ta lấy tấm vải che bên dưới thôi gọi là cuốn xê rông và để những bộ ngực trần. Những người đàn ông thì đóng khố, có khi khoác thêm áo choàng. Ngoài phong tục đóng khố quấn xê rông thì người ta còn có phong tục gọi là phong tục cà răng căng tai. Những cô gái từ nhỏ đã dùng gai để châm cho lủng lỗ tai và đeo những sợi dây thừng để cho lỗ tai nó thòng xuống và nông tỗ tai cho to ra bằng những ống lồ ô hay ngà voi. Theo quan niệm thì lỗ tai càng to chừng nào thì người phụ nữ càng đẹp chừng đó. Ngoài phong tục căng tai họ còn có phong tục cà răng. Những chàng thanh niên từ độ tuổi 15, 16 trở lên đến tuổi trường thành thì sẽ mài răng. Người ta sẽ dùng đá mài 4 răng của phía trên sát tới lợi. Những chàng trai nào đã mài răng thể hiện là mình đã trưởng thành và có thể chống chọi với thú dữ và bảo vệ được buôn làng. Không chỉ con trai và phụ nữ cùng mài răng để thể hiện mình xinh đẹp quý phái hơn bằng cách mài 4 răng cửa phía dưới cho nhọn hoắt.
Đấy là những phong tục trước kia còn hiện tại thì không có nữa. Bây giờ chúng ta chỉ có thể thấy trên một số trang mạng hay viện bảo tàng. Có thể thấy những hình ảnh của những cô gái người K’Ho căng tai ra sao. Họ để bộ ngực trần như thế nào. Hay hài cốt của những cô gái trẻ thì hàm răng được mài dũa nhỏ như thế nào. Chỉ còn trong viện bảo tàng thôi.
Phong tục cưới chồng của người Dân Tộc
Một phong tục mà con lưu giữ là phong tục bắt chồng. Những cô gái dân tộc ở đây họ rất mạnh dạn. Nếu thấy ai vừa mắt sẽ ra sức để tán tỉnh để chàng trai đó thuộc về mình. Trước kia thì khi đến tuổi trưởng thành thì những cô gái phải tìm mọi cách để dụ dỗ chàng trai thuộc về mình và đem lễ vật qua xin cưới. Nếu lần thứ 1, 2, 3 mà chàng trai đồng ý thì không sao. Nhưng nếu không đồng ý thì chàng trai này phải tìm lễ vật nào đó để bồi thường danh dự cho cô gái này để đi tìm chàng trai khác tỏ tình. Đó là phong tục trước kia, bây giờ thì họ cũng đã tiến bộ, văn minh hơn. Nam nữ trong làng khi đến tuổi thì họ tự tìm hiểu nhau, khi đến độ chín muồi thì gia đình cô gái phải qua nhà trai để xin cưới hỏi. Tùy vào mức độ đẹp trai, tài giỏi của ngưởi con trai mà nhà gái phải đem sính lễ tương ứng từ 10 đến 15 con trâu. Sau này người ta rút ngắn lại còn 5 đến 7 con trâu và hiện tại những chàng trai trong làng dân tộc này chỉ còn đáng giá 1 con trâu thôi ạ.
Ví dụ như trâu bây giờ khoảng 30-35 triệu 1 con thì những chàng trai này cũng có giá tương đương là 30-35 triệu. Ngoài 30-35 triệu này ra thì gia đình cô con gái phải đem theo một số Đồng La hay một số bộ trang phục đặc trưng để qua xin cưới chàng trai này. Những cô gái nào không có đồng la, không có trâu bò, không có tiền bạc thì đành phải ở giá. Khi gia đình nhà trai nhận lễ vật rồi thì mới cho cô gái này bắt chàng trai về chung sống với mình. Khi đó lễ tiệc cưới hỏi sẽ diễn ra trong 1 ngày 1 đêm và gia đình cô gái phải chu cấp hết, chàng trai không phải bỏ ra một đồng nào hết. Thật là sướng.
Tuy nhiên khi đã về chung sống với nhau rồi thì chàng trai này phải cày ngày cày đêm làm như con trâu con bò. Mục đích là để bù lại số tiền mà nhà cô gái này đã bỏ ra. Nhưng mà điều thiệt thòi nhất của các chàng trai sau khi cưới là khi sinh con thì tất cả những người con đều mang họ mẹ chứ không mang họ cha. Dân tộc này họ sống theo chế độ mẫu hệ. Và cho đến ngày nay chế độ mẫu hệ vẫn còn lưu giữ trong làng dân tộc này. Ví dụ anh chồng có bạn bè muốn dắt về nhà nhậu thì cô vợ phải đồng ý mới được dẫn về.
Cô vợ không đồng ý có thể cầm cây roi đánh anh chồng lúc nào cũng được. Chính bởi vì cô vợ đã bỏ tiền ra mua cái anh chồng này rồi nên thành ra mọi quyền hành đều nằm trong tay cô này. Nhưng hiện tại những anh chồng cũng có tiếng nói hơn rồi. Chuyện vợ đánh chồng cũng hầu như không còn nữa. Có thì cũng ở những vùng sâu vùng xa rất ít thôi.
Một phong tục nữa của người dân tộc nơi đây là họ thờ đa thần như thần sông, thần núi, thần cọp, thần beo, thần lửa, thần nước. Tất cả những vị thần này họ gọi là Giàng hay còn gọi là trời. Mình hay nghe người dân tộc họ than ối Giàng ơi đó chính là đang kêu thần, kêu trời đó. Ngoài thờ những vị thần linh ra thì người dân tộc ở đây 98% họ theo đạo Công giáo và Tin lành. Họ có một số lễ hội như đâm trâu, cầu mưa, cầu nắng hay lễ hội cúng lúa mới thì bây giờ vẫn còn lưu giữ. Khi tham gia giao lưu văn hóa họ sẽ tái hiện lại những lễ hội này thông qua những điệu múa.
Khi tham gia giao lưu mọi người sẽ được múa, được hát với những chàng trai, cô gái người dân tộc, hô to thì sẽ được phần thưởng nữa.
Một số từ ngữ mọi người có thể nghe khi tham gia giao lưu với người dân tộc nơi đây:
– Nim xá nghĩa là xin chào.
– Ơn ngài nghĩa là cảm ơn
– Ngắt dơ là tạm biệt
Trước kia người đồng bào ở đây họ không có chữ viết, chỉ truyền miệng cho nhau nghe thôi. Nhưng mà từ khi Pháp đặt chân đến nơi đây thì người Pháp truyền bá chữ viết và truyền bá đạo Công giáo cho người dân tộc. Chữ viết cho người dân tộc này do người Pháp sáng lập ra từ a b c chứ Lating. Nhưng mà hiện tại ngày nay để phổ cập kiến thức nên họ sử dụng Tiếng Việt, Tiếng Kinh là chính. Ngoài tiếng Việt tiếng Kinh ra thì cũng có một số lớp dành riêng cho người dân tộc để chữ viết của họ không bị mai một đi.
Trước những năm 20, 30 thì Pháp sống ở Đà Lạt tới 10 ngàn người. Còn những người gốc sinh sống ở đây chỉ có khoảng 400 thôi. Thành ra khi người dân tộc họ bước ra ngoài là sẽ gặp người Pháp và họ cũng sử dụng Tiếng Pháp luôn. Những người lớn tuổi ở vùng đất này họ có thể nói được 3 thứ tiếng: Tiếng Việt, Tiếng dân tộc và tiếng Pháp. Pháp đã sống ở vùng đất này từ năm 1893 đến năm 1954 tức là gần 60 năm, rất là lâu. Một số người Pháp cũng lấy người dân tộc ở đây và sinh đẻ 2 3 đời rồi. Thành ra có một số cô gái người dân tộc rất xinh đẹp, da trắng, mũi cao nhưng nét vẫn là nét dân tộc.
Như đã nói thì ngày xưa những cô gái dân tộc sống rất hoang dã nhưng hiện tại họ sống rất văn minh. Cũng nhuộm tóc vàng đỏ, cũng sơn móng tay móng chân và kể cả xăm mình cũng có.
Hiện tại cuộc sống của họ sống chủ yếu nhờ việc trồng cà phê, thu hoạch cà phê. Ngoài ra thì họ cũng trồng thêm một số bông hoa, rau quả. Hay hàng đêm tổ chức một số chương trình giao lưu cồng chiêng như thế này để kiếm thêm doanh thu. Thành ra cuộc sống của người đồng bào dân tộc này ngày càng đi lên rất là sung túc. Và khi cuộc sống đi lên rồi thì họ thay những căn nhà sàn bằng những ngôi nhà gỗ và dần dần chuyển thành nhà bê tông kiên cố. Khi đi vào trung tâm huyện thì chủ yếu chúng ta sẽ thấy nhà của người Kinh vì người Kinh thích sống ở trung tâm hơn, họ kinh doanh dọc bên đường. Đi sâu hơn một chút mới tới nhà của những người dân tộc.
Tour guide
Chú dẫn tour Zen đi rất hay. Nói chuyện như một cái máy cassette. Vừa chạy xe vừa nói nhưng nói rất lưu loát và giọng rất hay. Chú giới thiệu rất chi tiết về hoạt động của tour cũng như về lịch sử, con người Đà Lạt. Hỏi ra thì chú làm cái này được khoảng 4 năm. Và bình thường chú ít thuyết mình. Nhưng hôm nay do bạn tour guide nghỉ nên chú làm thay.
Không gian
Xung quanh hội trường có rất nhiều quầy hàng bán thịt nướng, cơm lam, rất thơm ngon. Thịt nướng khoảng 10-20k một xiên. Bên trong hội trường rất rộng. Ngay chính giữa có một đống củi nhỏ đã được chất sẵn để xíu nữa mọi người tham gia múa quanh đống lửa.
Hoạt động trong buổi giao lưu
Mình sẽ được phục vụ một ché rượu cần và mọi người uống chung. Ngoài ra có những cái bàn tiệc. Nếu mình muốn thì có thể đặt trước bàn ăn. Thì có thể đặt gà, cơm… Gà thì tùy mình muốn làm món gì. Gà khoảng 350k, cơm lam 70k. Gà mình thích nướng hoặc nấu cháo tùy. Nhưng phải đặt từ chiều khoảng 3 4 giờ để tới giờ tối người ta kịp làm xong cho mình ăn. Bàn khoảng chừng 4 5 người thì ăn 1 con gà nướng và cơm lam là ok.
Bắt đầu chương trình thì có một vị già làng ra giới thiệu và hướng dẫn mọi người một số từ ngữ chào hỏi. Sau đó kể một số câu chuyện, đốt lửa và múa xung quanh đống lửa trại. Mọi người được tham gia múa cùng với người đồng bào. Sau đó chúng ta sẽ được phát thịt nướng và uống rượu cần. Vừa ăn uống vừa nghe tiếng cồng chiêng và xem múa hát. Xiên thịt nướng trông khá hấp dẫn. Tuy nhiên thịt nướng hơi lạt. Rượu cần ở đây hơi nồng hơn và không ngon bằng rượu cần mà Zen đã được uống ở nhà Hòa.
Sau đó chúng ta sẽ được tham gia một chương trình vui chơi có thưởng. Trò chơi là có những chiếc ghế và họ bật nhạc lên, khi nhạc tắt thì phải dành chiếc ghế. Tuy nhiên không phải chơi bình thường mà sẽ cõng nhau. Những anh chàng dân tộc sẽ cõng các chị tham gia sau đó ngược lại. Vừa cõng vừa đi vòng quanh và giành ghế. Tương tự với những anh trai tham gia với những cô gái dân tộc cũng vậy. Ai chiến thắng đến cuối cùng sẽ được nhận phần thưởng. Phần thưởng ở đây là những cái thơm má.
Có một cái Zen thấy không ổn là sau khi mọi người ăn xong thì không tự đem rác đi vứt mà bỏ rác lung tung, trông hình ảnh đó nó không đẹp chút nào.
Sau khi kết thúc tour thì tài xế sẽ hỏi mình đi đâu họ sẽ chở đi và mình tự về.
Lời khuyên cho mọi người khi đi tour này: Nên ăn tối trước vì đi tour chỉ ăn 1 xiên thịt nên sẽ không thể no được.
Giá vé: 1 người là 150k. Giá này là hợp lý, được ăn uống, chơi vui vẻ.
Đặt tour thế nào?
Có rất là nhiều công ty liên kết với nhau để tổ chức tour này. Có khoảng 4 5 đoàn giao lưu nhưng đoàn mà Zen đi là đoàn vui nhất. Đoàn này có tên là Tẹ Xa Li. Ngoài ra còn có Ka Sin, Ka Rin, Ka Mơ, Ka Pam… nhiều lắm. Những đoàn này họ sẽ đăng ký với những công ty để tự tìm khách. Trên 100 người trở lên thì họ mới tổ chức một buổi giao lưu. Như đoàn này thì họ múa thường xuyên vì rất vui và hay. Mỗi đoàn có một cách tổ chức chương trình khác nhau để khách lưu luyến chứ còn điệu múa thì nhìn chung là giống nhau hết. Vì đó là điệu múa dân gian của người dân tộc. Nên các đoàn chỉ khác nhau ở người dẫn chương trình hay hay không, cách tổ chức có vui nhộn sôi động hay không.
Công ty dẫn tour mà mình đi là công ty sếp của Hòa. Bạn nào muốn trải nghiệm tour này thì hãy liên vệ về Books Homestay để được Hòa hướng dẫn nha.
Chia sẻ của bác tài
Rượu cần chỉ uống trong ngày thôi chứ để sang hôm sau là nó chua liền. Khi mà không đổ nước vô thì mình có thể để năm này qua năm kia vẫn được. Nhưng đổ nước vào thì uống hết cái nước đó thôi nếu để sang hôm sau thì nó thiu nó chua. Ở nơi lạnh như Đà Lạt thì để được 2 ngày, còn nơi nóng hơn thì chỉ để 1 ngày được thôi.
Mình sẽ có một cái li cối nước, uống tới đâu là châm, lúc nào nước cũng ngang miệng chum. Ví dụ cái ché 7 lít thì phải 7 lít nước lọc cái ché đó mới hết. Mình uống liên tục cái lỗ đó, hồi nó lạt đi mình rút ra mình xâm cái lỗ khác thì uống nó lại đậm đà. Cứ xâm như vậy khi nào nó không còn cái men nữa thì mình bỏ cái ché.
Thông tin về lẩu bò Ba Toa
Thực chất khu vực Ba Toa là khu vực lò mổ ngày xưa. Những người khu vực đó toàn là những người mổ bò, mổ heo trước kia. Sau này di dời thì người ta không làm nữa mà người ta mở quán nhậu. Ba Toa nghĩa là Batoir trong tiếng Pháp, nghĩa là lò mổ, sát sinh chứ không phải là ông Ba Toa hay bà Ba Toa gì cả. Cho nên mọi người sẽ thấy khu bán lẩu bò này chỗ nào cũng ghi là lẩu bò Ba Toa. Nhưng quán đầu tiên mà mở ở khu vực lẩu bò đó là quán 09 rồi sau đó đến quán Thanh Tâm. Rồi sau này lẩu bò Quán Gỗ nó mới ra. Quán Gỗ gần như là quán nổi tiếng nhất ở đó. Mình ăn quen sẽ thấy ngon, ai không quen sẽ thấy hơi ngai mùi bò. Giá của những quán ở đây gần như là ngang nhau hết. Mọi người có thể thử.
Vậy là đã kết thúc một tour rất vui vẻ và cũng thu lại được rất nhiều kiến thức. Các bạn thấy sao về tour này? Hãy cho Zen biết nhé.